Nội dung liên quan (20)

Giảm hay giữ nhân sự cuối mùa COVID

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giảm lương người lao động nhưng không sa thải. Họ tranh thủ thời gian này để đào tạo nhân lực.

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân - Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng -  đã thực hiện khảo sát về doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid lần 2 vào đầu tháng 04/2020.

Qua báo cáo khảo sát, nhiều chủ doanh nghiệp đã có hành động tích cực hơn để đối phó với đại dịch. Dịch Covid-19 kéo dài khiến tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt với một thách thức rất lớn, đó là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị suy giảm.

Trong nhiều báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, nguy cơ cần phải cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất đã được đề cập tới. Tại cuộc khảo sát lần 1 của Ban IV tháng 3-2020, gần 40% doanh nghiệp trả lời tương tự.

Cắt giảm nhân sự trong mùa dịch có thể gây thiếu nguồn nhân lực khi sản xuất phục hồi

“Tuy nhiên, hệ lụy của việc cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi hoạt động sản xuất được đẩy mạnh trở lại”- đại diện doanh nghiệp cho hay. 

Do đó, trong đợt khảo sát lần 2 này, chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp, 27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn;

26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.

Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp trả lời này có thể sẽ không có khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng.

Trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn “chung sống” với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng;

26% doanh nghiệp trả lời phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trả trợ cấp cho lao động. 8 doanh nghiệp trả lời (3%) tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về các biện pháp phòng, chống dịch được tăng lên rõ rệt.

Doanh nghiệp chủ động trang bị cho người lao động các trang thiết bị phòng chống dịch

Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro và trong số 81% số doanh nghiệp trả lời có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% trong đó đã chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn...

Phần lớn doanh nghiệp trong số đó cũng đã thực hiện phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tập thể dục, nâng cao sức khỏe… 6% doanh nghiệp trả lời đã áp dụng cách thức tổ chức nơi lao động, sản xuất thành “vùng cách ly” để đảm bảo an toàn cho mọi người và không đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp.

Kết lại, các chủ doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự để tránh tình trạng thiếu nguồn nhân lực khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại.


SPRINGO ĐÀO TẠO - TƯ VẤN HỆ THỐNG CHIẾN LƯỢC - QUẢN TRỊ - PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI & TỔ CHỨC.

Hotline Tư vấn – Huấn luyện Doanh nghiệp: 0969 798 944 (zalo, call, nhắn tin...)

Hotline các khóa Huấn luyện/Đào tạo: 0984 394 338 (zalo, call, nhắn tin...)

Email: hrspring.vn@gmail.com

Địa chỉ: KĐT Vinhome Gardenia Hàm Nghi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội