Nội dung liên quan (20)

BANI vs VUCA: Từ viết tắt nào phù hợp để mô tả thế giới này?

“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới trong vài thập kỷ qua. Nhưng nếu cứ mãi nhìn cuộc sống dưới ống kính VUCA, chúng ta sẽ không tiếp nhận thêm được các thông tin hữu ích khác. Thay vào đó, chúng ta d

Vì lẽ đó, Techie xin giới thiệu đến bạn đọc một khái niệm mới, dường như sẽ phù hợp hơn để mô tả những thách thức trong cuộc sống ngày nay: BANI. BANI là viết tắt của 4 từ tiếng Anh – đại diện cho 4 đặc tính: Brittle (mỏng manh, dễ vỡ), Anxious (lo âu), Non-linear (phi tuyến tính), Incomprehensible (không thể lý giải). 

Trước tiên, hãy cùng quay trở lại với khái niệm VUCA:

VUCA là gì?

VUCA được mô tả với 4 đặc tính là: Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ). Khái niệm trên ban đầu được sử dụng để mô tả về thế giới “đa phương” sau cuộc Chiến Tranh Lạnh. Sau này, khái niệm VUCA đóng vai trò định hướng cho các phương pháp agile, self-oriented, ảnh hưởng lên cách làm việc, suy nghĩ và thế giới quan của con người. Tuy nhiên, tình hình của thế giới hiện tại về cơ bản đã thay đổi kể từ khi thuật ngữ này có mặt vào những năm 1980. Và dường như sự phức tạp được mô tả trong khái niệm VOCA đang dần phát triển thành sự hỗn loạn.

VUCA là gì?

Thuật ngữ VUCA đã tồn tại trong suốt 4 thập kỷ qua

Môi trường VUCA đã thay đổi như thế nào?

Thuật ngữ VUCA không chỉ bị lạm dụng quá mức dẫn đến mất đi ý nghĩa ban đầu, mà nội dung bao hàm của nó đã không còn đủ để đáp ứng cho câu hỏi cơ bản: “Làm thế nào để chúng ta có thể đối phó với hoàn cảnh hiện tại?”. VUCA không đủ phù hợp để giải thích cho hiện trạng thế giới ngày nay, hay tìm ra các giải pháp cho viễn cảnh trong tương lai. Nói cách khác, thế giới hiện tại không còn là VUCA nữa, nó đã phát triển và đòi hỏi một thuật ngữ mới để có thể lý giải.

Vậy tại sao chúng ta lại chọn thuật ngữ BANI? Đơn giản vì: BANI vẽ ra một bức tranh rõ ràng về thế giới chúng ta đang sống, và nó làm cho mỗi khía cạnh của cuộc sống trở nên hữu hình hơn.

  • Những gì từng biến động thì sẽ không còn đáng tin nữa 
  • Con người lo lắng thay vì cảm thấy chắc chắn 
  • Mọi thứ không còn phức tạp nữa, thay vào đó chúng tuân theo các hệ thống logic phi tuyến tính
  • Những gì đã từng mơ hồ thì ngày nay chúng sẽ càng khó lý giải hơn. 

BANI đại diện cho điều gì?

Cũng như viết tắt của VUCA, mỗi chữ cái của BANI đều bao hàm ý nghĩa nhất định.

BANI là gì

4 đặc tính của BANI được cho là phù hợp để phản ánh thế giới hiện nay 

“B” trong “Brittle” – có nghĩa là Dễ vỡ.

“Brittle” ám chỉ một thứ gì đó nhìn có vẻ chắc chắn, nhưng lại rất dễ đổ vỡ. Con người ta vốn không thể nào dựa vào một thứ mỏng manh hay dễ vỡ. Đơn giản bởi vì nó có thể sụp đổ bất cứ khi nào mà không thể lường trước được – mặc dù trông có vẻ chắc chắn, bền dẻo và không điều gì có thể công phá. Trong thế giới BANI, những hệ thống kiểu này chỉ có thể hoạt động mang tính bề mặt và luôn tiềm tàng nguy cơ sụp đổ mãi mãi.

Một hệ thống dễ vỡ, mỏng manh như vậy là hệ quả đến từ việc tập trung chạy đua tối ưu hoá lợi nhuận – và điều này đúng với tất cả các quy luật của cuộc sống, có thể thấy ở:

  • Phương thức nông nghiệp độc canh, dẫn đến việc hút cạn chất dinh dưỡng của đất, khiến đất bị suy thoái hơn bao giờ hết: chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể mất trắng vụ mùa.
  • Lời nguyền tài nguyên: ám chỉ tình trạng những khu vực địa lí rộng lớn chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn tài nguyên thiên nhiên – trước khi bị quy trình công nghệ thay thế hoàn toàn.

Lịch sử đã cho thấy nhiều ví dụ minh chứng cho cả hai phương thức trên. Và chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những điểm then chốt tương tự – đóng vai trò cốt lõi cho sự thất bại – ở hầu hết mọi hệ thống. Nguy hiểm hơn, ở một thế giới mà tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau một cách chặt chẽ – như ở thời điểm hiện tại – thì thảm hoạ xảy ra ở nước này có thể tạo hiệu ứng lan tỏa trên khắp thế giới. Chỉ cần nhìn vào:

  • Hệ thống cung ứng lương thực
  • Hệ thống cung ứng nhiên liệu
  • Thương mại toàn cầu nói chung.

Những hệ thống quan trọng của chúng ta đều có mối quan hệ mật thiết với nhau mà không hề có sự phân định rõ ràng giữa ranh giới an toàn và thất bại. Nếu một thành tố sụp đổ, hệ quả tất yếu sẽ là hiệu ứng domino: các hệ thống khác lần lượt gãy đổ ngay sau đó.

“A” là “Anxious” – mang hàm ý Lo âu

Trong bối cảnh nói trên, hệ quả dễ thấy là chữ cái “A” sẽ mang nghĩa “Anxious”. Khi lo âu, người ta dễ rơi vào trạng thái bất lực và không thể đưa ra được quyết định. Bởi, họ hoài nghi rằng bất kì sự lựa chọn có sẵn nào cũng có thể dẫn đến kết cục không tốt đẹp. Trong thế giới đầy sự lo âu này, con người sẽ có xu hướng:

  • Ngắc ngoải chờ những điều không may tiếp theo xảy ra
  • Trở nên thụ động, bởi người ta sợ việc đưa ra quyết định sai
  • Luyến tiếc những cơ hội đã bỏ lỡ
  • Đối diện với linh cảm bất an khi phải phụ thuộc vào một người khác, trong khi người đó có thể đưa ra những quyết định dẫn họ đến kết cục không mấy tốt đẹp.

Tuy nhiên, khi sống trong một môi trường được hình thành bởi sự lo âu, chúng ta buộc phải học cách đối diện với vấn đề một cách hiệu quả. Tóm lại là: việc nhìn cuộc đời theo hướng tích cực hay không là quyền của chúng ta – và chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này – bằng cách để đầu óc mình được nhẹ nhàng và thuần khiết. Từ cơ sở đó, ta có thể nhìn ra được những lát cắt tích cực, những cơ hội và những tiềm năng phát triển.

Nhưng không may thay, chúng ta lại thường bị xao nhãng vì liên tục tiếp xúc với tin tức tiêu cực – vốn đang có xu hướng gia tăng trong những thập kỉ gần đây. Đặc biệt, sau những diễn biến của đại dịch COVID-19, con người lại càng có dịp chứng kiến đỉnh điểm của sự lo âu và trầm cảm.

Trong khi đó, truyền thông lại chỉ chú ý phản ánh những gì xảy ra ở hiện tại, mà ít đề cập đến những điều đúng đắn cần làm, hay chỉ ra hành động nào sẽ dẫn đến hệ quả ra sao. Thêm vào đó, chúng ta lại phải đối diện với “tin giả” (fake news) hàng ngày. Sự phản ánh sai lệch về thế giới càng đẩy những cảm xúc tiêu cực lên đến cực độ, dẫn đến việc ai ai cũng lo âu, ở mọi ngóc ngách, ở mọi vấn đề.

“N” trong “Non-linear” – ám chỉ sự Phi tuyến tính

Chữ cái tiếp theo có thể được diễn giải như sau: con người giờ đây không thể đánh giá trước những nguy cơ và hệ quả tiềm tàng. Logic đơn giản của mối quan hệ nhân – quả, thứ vốn được định danh là tuyến tính – nay lại trở thành phi tuyến tính. Ví dụ như:

  • Những quyết định nhỏ cũng có thể gây ra tác động không tương xứng –  có thể hữu ích song cũng có thể là thất bại thảm hại
  • Hệ quả của sự thay đổi chưa đến ngay lập tức, hoặc sau này mới trở nên hữu hình
  • Số lượng không nhất thiết đi kèm với chất lượng, và những cố gắng nỗ lực cũng không chắc đem đến kết quả tương xứng – thậm chí trái lại sẽ tan thành mây khói.

Tư duy phi tuyến tính

Sự khác biệt giữa tư duy tuyến tính và phi tuyến tính

 

Ví dụ, đại dịch COVID-19 đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có ở mọi mặt: từ cấp độ, quy mô, mức độ lây nhiễm và tử vong. Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài thêm vài tháng, thậm chí vài năm nữa. Hay, đặc điểm của sự phi tuyến tính cũng có thể được nhìn thấy ở cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu hiện tại là hệ quả của nền công nghiệp từ những năm 1980.

Tương tự như vậy, nền kinh tế, hệ thống sinh học hay y tế… đều tuân theo quy tắc trên. Sẽ cần rất nhiều thời gian, hệ quả thực sự của một nguy cơ nào đó mới lộ rõ nguyên hình.

“I” trong “Incomprehensible” – thể hiện những sự kiện Không thể lý giải được.

Những hệ quả phi tuyến tính của nguyên nhân, sự kiện hay quyết định mà dường như không thể có bất kì một lý giải hay mục đích nào thoả đáng – khiến người ta không thể nào hiểu được. Chúng ta không thể nào lý giải được nguyên nhân, bởi vì nguyên nhân đó có thể đã không còn, hoặc chúng quá ghê sợ, hay quá đỗi dị thường. Thế nên, càng đào sâu phân tích, ta lại càng thấy phí công – đơn giản là chúng ta không thể nào hiểu được nó. 

Ví dụ, phần mềm chỉ có thể hoạt động với một dòng code nào đó, trong khi dòng code này thoạt nhìn lại không thực hiện một mục đích nào cụ thể, hay đúng với quy tắc trong coding. Tuy nhiên, xoá bỏ dòng code này đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa phần mềm. Đối với dân lập trình, điều này đã quá quen thuộc, song nó lại thể hiện rất rõ thành tố “I” trong BANI. Lập trình thường đi theo logic rõ ràng, nhưng trường hợp nói trên đây thì lại vô cùng phổ biến, nguyên nhân và hệ quả của nó cũng không tài nào lý giải được.

Thú vị ở chỗ, có nhiều thông tin hay dữ liệu cũng không đồng nghĩa với việc sẽ có câu trả lời thích đáng.

1.     Lượng thông tin/tín hiệu có giá trị càng tăng, độ nhiễu cũng theo đó mà càng lớn.

2.     Trong khi đó, khả năng thấu hiểu thế giới của con người lại vẫn như cũ.

3.     Vì vậy, việc tiếp nhận nhiều thông tin dẫn đến khả năng suy nghĩ của chúng ta bị quá tải.

Nói đến chuyện phần mềm, chúng ta cũng cần lạm bàn về AI (Artificial Intelligence) – Trí tuệ nhân tạo.

  • AI đã dần xuất hiện trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống thường nhật và ngày càng trở nên quan trọng
  • Thuật toán của AI liên tục học từ chúng ta – từ cách hành xử đến những tài nguyên sẵn có, vv…
  • Trong khi đó, chúng ta lại nhìn thấy những hệ quả bất cân xứng, cũng như những hiệu ứng mang tính phân biệt chủng tộc, giới tính và vô vàn những kiểu phân biệt khác, mặc cho ta có thành ý tới đâu.

Dẫu vậy, cần phải nhớ rõ rằng: việc chúng ta chưa thể hiểu rõ nhiều khía cạnh có thể chỉ là câu chuyện của thời điểm hiện tại. Chúng ta có thể kỳ vọng, công nghệ trong tương lai hay hiệu ứng cộng hưởng giữa con người và công nghệ sẽ tháo gỡ thắc mắc của những điều dường như không thể lý giải ở thời điểm hiện giờ.

Số liệu cho thấy tính cấp thiết của một cấu trúc mới

Thoạt nhìn, những quan sát nói trên có thể mang đến cái nhìn tuyệt vọng về thế giới VUCA trước đó. Người ta có thể cho rằng thế giới BANI mang hơi hướng viễn tưởng, thậm chí là nhuốm màu tận thế. Tuy nhiên, khi nói về viễn cảnh tương lai, thì hình ảnh về nguy cơ tận thế là điều hiển nhiên – hầu hết những người bình thường đều nghĩ đến viễn cảnh này. Chúng ta có đủ số liệu về tỷ lệ tự sát, nghiên cứu về chứng nghiện rượu và những khảo sát khác nhằm thể hiện rằng thế giới BANI có thể xáo trộn loài người ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều này hiện diện ở sự tuyệt vọng đến thảm thương và thiên hướng gục ngã trước sự bi quan. Nhưng mong rằng, bạn sẽ không như vậy.

Chính xác hơn VUCA, BANI là một cấu trúc mới, hiệu quả hơn:

  • Để thấu hiểu về một thế giới mới
  • Để hiểu về mối liên hệ nhân – quả tốt hơn
  • Để tìm ra một cấu trúc vững chắc, nhằm xác định những điều đang xảy ra với thế giới này.

Như vậy, những chữ cái viết tắt này tiết lộ cho ta những cách khác nhau để đối diện với những thử thách hiện tại:

  • Nếu có thứ gì đó dễ vỡ, nó cần có năng lực và sức bền
  • Nếu ta thấy lo âu, ta cần có sự thấu cảm và chánh niệm
  • Nếu thứ gì đó phi tuyến tính, nó cần có bối cảnh và sự thích nghi
  • Nếu thứ gì khiến ta không thể hiểu nổi, nó cần sự minh bạch và khả năng trực giác.

Cấu trúc BANI – Một cánh cổng đến tương lai chưa được nhìn nhận đúng đắn

Rõ ràng, đây chỉ là cách ta phản ứng và đối diện, chứ không phải là giải pháp cho vấn đề. Nhưng nó cho thấy vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết ở một thời điểm nào đó, mặc cho sự lo âu vẫn luôn thường trực. Chúng ta đã rời bỏ thế giới VUCA và bước vào giai đoạn BANI:

  • Sự biến đổi của thế giới cực kì lớn lao, và chúng ta vẫn chưa thể thấu hiểu toàn bộ những hệ quả
  • Hệ thống mà chúng ta hiện thời phụ thuộc cực kì dễ bị xáo động – bao gồm hệ thống thương mại, thông tin, xã hội và hợp tác.
  • Bất cứ sự thay đổi nào cũng có cái giá phải trả.

Với BANI, chúng ta nay có sẵn một ngôn ngữ mới để diễn giải và thấu hiểu những gì đang diễn ra với thế giới. Nó còn cung cấp cho ta một cơ sở để hình thành và xây dựng những phương pháp mới. Đây là thời cơ để nắm bắt, và hãy tận dụng những cơ hội mà ta có. Hãy cùng nhau hành động và tìm cách tiến lên, bằng một cách hiệu quả và bền vững, được không?

 Nguồn: https://stephangrabmeier.de/bani-versus-vuca/