Nội dung liên quan (19)

Lý luận hàng hóa sức lao động và tiền công của C. Mác - cơ sở quan trọng để cải cách chính sách tiền lương

TCCSĐT - Tiền lương là lợi ích kinh tế thiết thân của người lao động, là phương tiện tái sản xuất sức lao động, năng lực của lao động trong quá trình sản sinh ra các giá trị gia tăng. Để có một chính sách tiền lương hợp lý, kích thích năng lực sáng tạo củ

Khi lợi ích của người lao động được bảo đảm bằng các mức lương thỏa đáng, lợi ích của người sử dụng lao động sẽ tăng, tạo cơ sở kinh tế để tăng thu nhập và lợi ích kinh tế cho người cung ứng sức lao động, tạo ra sự gắn kết cộng đồng giữa người lao động với người sử dụng lao động. Đó chính là tác động tích cực của tiền lương. Ngược lại, nếu chính sách tiền lương không hợp lý, không chú ý đúng mức đến lợi ích của người lao động, sẽ làm suy giảm động lực của sản suất, tác động xấu đến thái độ, động cơ của người lao động, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Nguồn nhân công có thể bị kiệt quệ về thể lực, giảm sút về chất lượng. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng cắt xén thời gian làm việc, lãng phí nguyên, nhiên, vật liệu; làm rối, làm ẩu, gây nên mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa người sử dụng lao động và người cung ứng sức lao động. Một biểu hiện nữa của chính sách tiền lương không hợp lý là tạo ra tình trạng phân bố lao động bất hợp lý giữa các ngành, các vùng, các khu vực kinh tế, dẫn đến tình trạng thất nghiệp cục bộ trong khi có nơi lại thiếu lao động, hoặc gây ra nạn chảy máu chất xám...

Tiền lương - sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa sức lao động

Xét trên góc độ cá nhân người lao động, sức lao động là tổng hợp toàn bộ thể lực và trí tuệ tồn tại trong cơ thể sống của con người mà con người có thể vận dụng trong quá trình sản xuất. Sức lao động là khả năng lao động, là yếu tố giữ vai trò quyết định trong quá trình sản xuất. Hiệu quả lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố vật chất khác, song yếu tố có ý nghĩa quyết định là sức lao động. Thể lực và trí tuệ của người lao động lại phụ thuộc vào mức sống, vào chất lượng cuộc sống và những yếu tố đó, suy cho cùng, lại phụ thuộc vào chính thu nhập của người lao động mà phần cơ bản trong thu nhập đó là tiền lương.

Xét trên góc độ xã hội, sức lao động trong nền sản xuất xã hội là lực lượng lao động xã hội - một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Chất lượng của lực lượng lao động phụ thuộc vào nhiều chính sách của nhà nước, như chính sách phân phối, chính sách giáo dục đào tạo và các chính sách kinh tế - xã hội khác, trong đó chính sách tiền lương giữ vai trò quan trọng.

C.Mác cho rằng, để sức lao động trở thành hàng hóa cần có hai điều kiện. Một là, người có sức lao động hoàn toàn tự do về thân thể, có nghĩa là người đó phải có quyền sở hữu sức lao động của mình và có quyền đem bán nó như một hàng hóa. Hai là, người có sức lao động nhưng không có tư liệu sản xuất hoặc của cải, do đó buộc phải bán sức lao động của mình.

Người lao động ở vào các điều kiện trên sẽ đem bán sức lao động của mình để duy trì cuộc sống. Khi kinh tế hàng hóa phát triển hơn thì điều kiện thứ hai có những thay đổi nhất định. Đó là không phải chỉ những người hoàn toàn không có tư liệu sản xuất hoặc của cải mới đem bán sức lao động của mình, mà cả những người có tư liệu sản xuất hoặc có vốn, nhưng không đủ khả năng để sản xuất có hiệu quả cũng vẫn đi làm thuê.

Giá trị hàng hóa sức lao động được biểu hiện trên thị trường thông qua tiền lương. Vì vậy, tiền lương là biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, là giá cả của sức lao động mà người sử dụng lao động (nhà nước, chủ doanh nghiệp) phải trả cho người cung ứng sức lao động, tuân theo các quy luật của thị trường sức lao động và pháp luật của nhà nước. Do đó, cơ sở của tiền lương là giá trị sức lao động. Giá trị hàng hóa sức lao động được quyết định bởi lượng thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động. Nhưng sức lao động là khả năng lao động gắn liền với cơ thể sống của con người, vì vậy tái sản xuất ra năng lực đó cũng có nghĩa là duy trì sự sống, sự hoạt động bình thường của người lao động. Để thực hiện điều đó đòi hỏi phải có những tư liệu sinh hoạt nhất định. Do đó, giá trị hàng hóa sức lao động được đo bằng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động.

Tái sản xuất sức lao động bao gồm hai phương diện: tái sản xuất sức lao động về mặt chất lượng, có nghĩa là phải bảo đảm phục hồi và nâng cao thể lực, trí tuệ cho người lao động, và, tái sản xuất sức lao động về mặt số lượng, có nghĩa là bảo đảm sự sống cho con cái người lao động.

Giá trị hàng hóa sức lao động được hợp thành từ giá trị các tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết cho bản thân người lao động; những phí tổn đào tạo người lao động để họ có được trình độ lành nghề thích hợp; giá trị các tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết cho con cái người lao động.

Những yêu cầu đối với tiền lương

Với tư cách là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, tiền lương mà người lao động nhận được phải bảo đảm được các yêu cầu sau:

Một là, một bộ phận của tiền lương phải bảo đảm mua được lượng hàng hóa và dịch vụ cần thiết đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần để người lao động sống và hoạt động bình thường trong môi trường sống và lao động của họ.

Hai là, một bộ phận của tiền lương phải bảo đảm trang trải các chi phí đào tạo để họ có được trình độ lành nghề thích hợp. Bởi vì người lao động tham gia vào quá trình sản xuất không chỉ dựa vào thể lực mà còn sử dụng cả trí tuệ nữa. Không những thế, sản xuất ngày càng phát triển, lao động ngày càng phức tạp nên chi phí đào tạo ngày càng tăng. Những người lao động làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, với trình độ lao động khác nhau (lao động giản đơn hoặc lao động phức tạp) có phí tổn đào tạo khác nhau nên mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần để duy trì sự sống và hoạt động bình thường cũng khác nhau. Vì vậy, mức lương của những người lao động giản đơn và lao động phức tạp có sự chênh lệch.

Ba là, một bộ phận của tiền lương phải bảo đảm nuôi con cái người lao động. Bởi vì, tái sản xuất sức lao động không chỉ về chất lượng mà còn về số lượng. Con cái người lao động chính là lực lượng thay thế và bổ sung cho thị trường sức lao động. Quy mô một gia đình Việt Nam hiện nay trung bình có hai con, nên mỗi người lao động phải bảo đảm nuôi được ít nhất một con.

Giá trị hàng hóa sức lao động còn bao hàm cả yếu tố lịch sử và tinh thần. Điều đó có nghĩa là những nhu cầu, cũng như quy mô của những nhu cầu của người lao động tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, tập quán, trình độ văn minh đã đạt được. Điều này cho thấy, một mặt, giá trị sức lao động của những người sống ở các vùng khác nhau có sự khác nhau, nên tiền lương của họ có sự chênh lệch. Mặt khác, sản xuất ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, trình độ văn minh ngày càng cao, nên nhu cầu của con người cũng ngày càng tăng về số lượng, chất lượng và chủng loại. Vì vậy, giá trị sức lao động cũng như tiền lương không phải là cố định mà xu hướng vận động của chúng ngày càng tăng lên.

Các yếu tố tác động đến tiền lương  

Tiền lương là giá cả của sức lao động, nên một mặt nó dựa trên cơ sở giá trị sức lao động, mặt khác, cũng tuân thủ theo các quy luật của thị trường sức lao động. Do đó, tiền lương phụ thuộc vào các yếu tố thị trường như:

- Quan hệ cung - cầu về sức lao động. Tương quan cung cầu về sức lao động ở các ngành khác nhau không giống nhau. Nhìn chung, những ngành sử dụng lao động giản đơn là chủ yếu thường có cung lớn hơn cầu về sức lao động, vì thế tiền lương ở những ngành này có xu hướng ngày càng thấp đi. Ngược lại, ở những ngành sử dụng lao động trí tuệ, lao động có trình độ cao là chính, thường có cung nhỏ hơn cầu về sức lao động, vì thế tiền lương có xu hướng tăng cao. Tương quan cung - cầu về sức lao động cũng thay đổi ở các giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế. Chẳng hạn, khi nền kinh tế bị suy thoái, tiền lương cũng có xu hướng giảm, khi nền kinh tế hưng thịnh, đầu tư mở rộng, cầu về lao động tăng thì tiền lương cũng có xu hướng tăng. Giữa các vùng khác nhau trong một quốc gia hoặc giữa các quốc gia khác nhau có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, tương quan cung - cầu về sức lao động cũng khác nhau nên tiền lương cũng có sự chênh lệch.

- Giá cả hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường. Ở đây, cần phân biệt tiền lương danh nghĩa và tiền lương thực tế. Tiền lương danh nghĩa là tiền lương mà người lao động nhận được dưới hình thức tiền tệ. Tiền lương thực tế là lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người lao động mua được bằng tiền lương danh nghĩa với mức giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sau khi đã trừ đi thuế và các khoản trích nộp khác. Như vậy tiền lương thực tế tỷ lệ nghịch với giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trong điều kiện phát triển bình thường của nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát tự nhiên hằng năm thường ở mức một con số. Do đó, tiền lương danh nghĩa nếu không được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát thì tiền lương thực tế sẽ giảm xuống. Vì vậy, để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động cần có sự điều chỉnh tiền lương danh nghĩa theo tỷ lệ lạm phát. Đối với người lao động, lợi ích và mục đích cuối cùng của việc cung ứng sức lao động là tiền lương thực tế chứ không phải là tiền lương danh nghĩa.  

- Các yếu tố chính trị - xã hội, chẳng hạn như sự can thiệp của nhà nước thông qua chính sách tiền lương; vào sự phát triển và tác động của các tổ chức công đoàn, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Tiền lương không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế, vấn đề lợi ích, mà cao hơn, nó là vấn đề xã hội, liên quan trực tiếp đến chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước. Cơ chế điều tiết của thị trường lao động phải được định hướng bằng chính sách tiền lương của nhà nước, trong đó việc quy định và kiểm soát mức lương tối thiểu là sự cần thiết tất yếu. Luật hóa mức lương tối thiểu là hình thức can thiệp của nhà nước vào tiền lương trong điều kiện thị trường sức lao động luôn có số cung tiềm tàng lớn hơn số cầu, hoặc do sự giảm sút tiền lương thực tế khi nền kinh tế đang có lạm phát cao để bảo hộ mức lương thực tế cho người lao động.

Về mức lương tối thiểu cũng có những quan điểm khác nhau. Mức lương tối thiểu đo lường giá cả loại sức lao động giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường, với một khung giá các tư liệu sinh hoạt hợp lý. Quan điểm của kinh tế học hiện đại về mức lương tối thiểu lại xuất phát từ quy luật cung- cầu trên thị trường lao động, từ mối quan hệ giữa khả năng cung ứng và khả năng sử dụng lao động. Theo quan điểm này, cơ chế thị trường là tác nhân chủ yếu quy định và điều tiết mức lương. Song trong điều kiện mức cung lớn hơn mức cầu về lao động, làm cho mức lương trên thị trường giảm sút không bảo đảm khả năng tái sản xuất sức lao động, thì nhà nước cần quy định mức lương tối thiểu lớn hơn mức lương trên thị trường lao động để bảo hộ lợi ích cho người lao động. Hiện nay nhà nước ta cũng vận dụng quan điểm này để quy định mức lương tối thiểu trong khu vực kinh tế tư nhân.

Chính sách tiền lương ở nước ta: một số suy nghĩ và đề xuất 

Trong những năm qua, công cuộc đổi mới kinh tế của nước ta đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thể hiện qua chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, phát triển y tế nâng cao sức khỏe cho nhân dân... Song thực tế cho thấy, chính sách tiền lương của nhà nước còn chậm đổi mới so với sự phát triển chung của tình hình kinh tế - xã hội. Chính sách tiền lương còn nhiều bất hợp lý được thể hiện ở những điểm sau:

- Về mức lương tối thiểu. Mặc dù đã qua nhiều lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, nhưng cho tới nay, mức lương tối thiểu vẫn quá thấp không bảo đảm tái sản xuất giản đơn sức lao động của bản thân người lao động. Nếu so sánh chỉ số lương tối thiểu với hệ nhu cầu cần đạt được (gồm các yếu tố: ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, văn hóa, giao tiếp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp), thì chỉ số này rất thấp. Mức lương tối thiểu hiện nay (1,05 triệu đồng/tháng) chỉ bằng 37,5% nhu cầu tối thiểu.

 - Thời gian và mức độ điều chỉnh tiền lương danh nghĩa. Ở nước ta, trong những năm gần đây, tỷ lệ lạm phát hằng năm khá cao, vì thế, về nguyên tắc, để tiền lương thực tế của người lao động không bị giảm cần phải điều chỉnh tăng mức lương danh nghĩa ít nhất ngang bằng với tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều chỉnh lương chưa được thực hiện kịp thời, không theo kịp với đà tăng giá. Tại hội thảo “Thực trạng chính sách tiền lương và hướng cải cách” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 17-5-2012, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng lương lâu nay mới chỉ bù đắp được mức tăng chỉ số giá cả, tức là chỉ bù vào được lạm phát, chứ chưa đáp ứng được mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống. Mức lương tối thiểu quy định trong khu vực nhà nước chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu sống tối thiểu, còn lương tối thiểu quy định cho khu vực doanh nghiệp theo từng vùng chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu sống tối thiểu.

- Hệ số phụ cấp. Tiền lương có một chức năng cực kỳ quan trọng là điều tiết quan hệ cung - cầu về sức lao động trong nền kinh tế thị trường. Hệ số phụ cấp trong chính sách tiền lương ở nước ta hiện nay mới chỉ có loại phụ cấp tham gia điều tiết cung - cầu sức lao động theo vùng là phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đắt đỏ. Sự chênh lệch mức lương giữa lao động giản đơn và lao động phức tạp chưa đủ để khuyến khích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thậm chí còn có tình trạng “chảy máu chất xám”.

- Tỷ lệ tiền lương trong thu nhập. Tiền lương chỉ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hoạt động tích cực của người lao động khi nó chiếm phần lớn trong thu nhập của họ. Với chính sách tiền lương hiện hành, tiền lương của cán bộ công nhân, viên chức hiện nay chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng thu nhập của người hưởng lương (khoảng 30%- 50%), làm cho tiền lương không phản ánh đúng thang giá trị lao động, ảnh hưởng lớn tới quan hệ tiền lương trên thực tế. Hiện nay, có một tình trạng là, do tiền lương quá thấp, trong khi quỹ tiền thưởng được Nhà nước quy định, khống chế không vượt quá 50% quỹ tiền lương thực hiện nên một số đơn vị đã tìm mọi cách để tăng phần trả ngoài lương, trong đó chủ yếu là tiền thưởng cho người lao động từ 1 đến hơn 1 lần lương chính thức.

Hiện trạng bất cập trong chế độ tiền lương ở nước ta hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là nhận thức chưa đầy đủ về tính chất hàng hóa của sức lao động cũng như về bản chất của tiền lương. Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chúng ta không coi sức lao động là hàng hóa cả trong khu vực sản xuất, kinh doanh, cũng như khu vực nhà nước, vì vậy tiền lương không phải là giá cả của sức lao động, không dựa trên cơ sở giá trị sức lao động. Trong khu vực kinh tế nhà nước, Nhà nước bao cấp tiền lương, việc trả lương trong doanh nghiệp không gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chính sách biên chế suốt đời được áp dụng. Kết quả là, biên chế lao động ngày càng lớn, ngân sách thâm hụt nặng nề do phải bao cấp tiền lương, mà tiền lương lại không đủ tái sản xuất sức lao động. Sản xuất - kinh doanh mất động lực nên hiệu quả sút kém.

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mặc dù chúng ta đã có những thay đổi lớn trong nhận thức về tính chất hàng hóa của sức lao động, cũng như về bản chất của tiền lương, nhưng trên thực tế, việc cải cách tiền lương không đồng bộ với việc đổi mới các lĩnh vực có liên quan nên kết quả không cao. Cải cách hành chính trong khu vực nhà nước diễn ra chậm, đặc biệt việc tinh giảm biên chế còn thiếu cương quyết. Tiền lương chưa thực sự được coi là đầu tư cho người lao động, đầu tư cho nguồn nhân lực mà chỉ coi đó là một khoản chi cho tiêu dùng cá nhân. Khi tiến hành cải cách tiền lương chưa có cơ chế để tạo nguồn mà chỉ nặng về cân đối ngân sách. Chính vì thế khi xây dựng mức lương tối thiểu, Nhà nước dường như bị ràng buộc nặng nề bởi sự eo hẹp của ngân sách nên thường đưa ra những mức giá tư liệu sinh hoạt thấp xa so với mức thực tế. Do đó, tiền lương luôn đứng trước mâu thuẫn là thấp so với nhu cầu của người lao động nhưng lại cao so với khả năng của ngân sách. Trong quá trình thực hiện chính sách, chưa kết hợp được việc cải cách hành chính và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế trả lương cho các ngành sự nghiệp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạch định và thực hiện chính sách còn hạn chế. Công tác quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập.

Những bất cập của chính sách tiền lương đã gây nên những hệ lụy, như chất lượng lao động của công chức nhà nước thấp, tham nhũng trở thành “quốc nạn”..., cản trở công cuộc đổi mới nền kinh tế của đất nước.

Thực tế nêu trên cho thấy, lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác không chỉ đúng trong chủ nghĩa tư bản mà nó còn có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Vì thế, nghiên cứu và vận dụng lý luận hàng hóa sức lao động và tiền công của C. Mác vào việc cải cách chính sách tiền lương ở nước ta hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo ra sự đồng bộ trong đổi mới các chính sách kinh tế - xã hội, để sự phát triển của đất nước ta thực sự do con người và vì con người./.


SprinGO đơn vị tư vấn về hệ thống Quản trị - Phát triển Con người và Tổ chức

Hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn cần hỗ trợ

SPRINGO ĐÀO TẠO - TƯ VẤN HỆ THỐNG CHIẾN LƯỢC - QUẢN TRỊ - PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI & TỔ CHỨC.

Hotline Tư vấn – Huấn luyện Doanh nghiệp: 0969 798 944 (zalo, call...)

Hotline các khóa Huấn luyện/Đào tạo: 0984 394 338 (zalo, call...)

Email: hrspring.vn@gmail.com

Địa chỉ: KĐT Vinhome Gardenia Hàm Nghi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội